Bị buộc góp vốn xây nhà máy sữa, nông dân Củ Chi khổ thêm khổ



Bị buộc phải góp vốn 30 triệu để mở nhà máy chế biến sữa, nếu không các hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Tân Thạnh Đông bị HTX bò sữa Tân Thông Hội sẽ bị ngưng mua sữa.


169 hộ dân chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội đã có buổi gặp mặt với UBND xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi, TP.HCM) vào ngày 24-2. Tại buổi gặp mặt nhiều người dân bức xúc, lo lắng trước việc HTX bò sữa Tân Thông Hội yêu cầu bà con góp vốn 30 triệu đồng để HTX xây nhà máy, mở công ty và để được tiếp tục bán sữa.



Cắn răng góp vốn

Người dân góp vốn bằng hai hình thức: một là đóng tiền mặt 30 triệu đồng, hai là làm đơn xin hỗ trợ vốn lên Qũy hộ trợ vốn xã viên HTX (Thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam TP.HCM), mỗi tháng người nông dân phải tự trả góp cả vốn lẫn lời 2,3 triệu đồng. Số tiền đó sẽ được trừ vào tiền sữa, với thời hạn 18 tháng.

Anh Nguyễn Thành Lâm (ấp 8) bức xúc: “Việc ép người dân góp vốn để tiếp tục bán sữa rất vô lý. Người nông dân nuôi bò đã không có lời mà tự nhiên lại đi mắc nợ, trong khi giá sữa ngày một bấp bênh, giá trị con bò cũng ngày một xuống, dịch bệnh tùm lum, biết đến khi nào mới lấy lại số tiền đã góp chứ”. Anh Lâm chia sẻ gia đình anh đã bán sữa cho HTX bò sữa Tân Thông Hội nhiều năm nay. Ban đầu, họ thu mua sữa với giá 12.800 đồng/kg, bây giờ chỉ còn 12.000 đồng/kg, số lượng thu mua cũng sụt giảm. Nếu ngày trước HTX mua đến hơn 100 kg thì nay chỉ lấy 87kg, số sữa thừa còn lại chỉ lấy với giá 7.500 đồng/kg. Anh Lâm còn cho biết thêm “Ở đây có nhiều gia đình chỉ nuôi 1,2 con hoặc nuôi nhiều nhưng chỉ có 1,2 con đang lấy sữa thôi. Trong hai con có một con đang chửa thì chỉ còn lại một con lấy sữa, mỗi ngày giỏi lắm cho 16 kg sữa, mà giờ bắt góp vốn đến 30 triệu, đây đâu phải là số tiền nhỏ. Nếu góp vốn vào rồi lỡ bò bị bệnh sưng vú hay mất sữa thì phải làm sao. Vậy thì khổ cho người nông dân quá”.

Vì HTX bò sữa Tân Thông Hội không phân tích rõ số tiền góp này sẽ được dùng cụ thể như thế nào và được hoàn trả ra sao khiến nhiều hộ dân hoang mang, lo lắng.


Anh Nguyễn Văn Qúy (ấp 5) cho biết gia đình đang rất hoang nhưng vì muốn bán sữa nên hai vợ chồng đành lấy CMND và hộ khẩu rồi làm đơn xin vay vốn gửi cho HXT từ nửa tháng trước, tới giờ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. “Lúc đó HTX chỉ thông báo rằng đang mướn đất để mở công ty sữa nhưng chưa đủ vốn nên người dân phải góp vốn, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng bán sữa đang có với HTX. Mọi người đang lo lắm không biết HTX bò sữa Tân Thông Hội có đảm bảo sẽ thu mua hết sữa và mua với giá cao như cam kết hay không. Nếu HTX giải tán hay phá sản thì số tiền người dân góp vào sẽ như thế nào. Ngày trước, tôi không có tiền mới vay 20 triệu để mua 10 con bò, nuôi đến 3 năm mà chỉ có 3 con có sữa, một số con cạn sữa thì phải bán đi"



Xã không có thẩm quyền giải quyết

Trước bức xúc của người dân,  – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông - bà Dương Ngọc Loan, cho biết: “Thứ nhất, HTX bò sữa Tân Thông Hội không có trụ sở tại xã Tân Thạnh Đông mà tại xã Tân Thông Hội. Thứ hai HTX này là đơn vị tư nhân do nhiều thành viên góp vốn để hoạt động như một công ty tư nhân chứ không phải do Nhà nước mở ra. Thứ ba, giấy phép hoạt động của HTX là do UBND huyện Củ Chi cấp nên dù bà con bức xúc và yêu cầu UBND xã can thiệp nhưng việc này nằm ngoài thẩm quyền của xã”.


Bà Loan cho biết đã biết sự việc này từ lâu và đã từng báo cáo lên UBND huyện Củ Chi. UBND huyện đã yêu cầu sau Tết Bính Thân, HTX bò sữa Tân Thông Hội phải có cuộc họp với bà con Tân Thạnh Đông để giải quyết nhưng đến nay chưa thực hiện. Hiện nay khi đã nghe trực tiếp ý kiến từ bà con, UBND xã sẽ tiếp tục báo cáo về huyện để có hướng tháo gỡ.


“Về việc góp vốn với HTX bò sữa Tân Thông Hội, khi đưa tiền bà con phải yêu cầu HTX cho giấy tờ biên nhận, cam kết rõ ràng để sau này dễ dàng xác minh. Đồng thời bà con nên cân nhắc kỹ trước khi bỏ tiền góp vào HTX này, vì hiện Tập đoàn Vinamilk đã hứa sẽ hỗ trợ thu mua sữa cho người nông dân. Xã đã thông báo xuống các ấp thống kê số hộ chưa có hợp đồng để báo cáo lên huyện và có hướng hỗ trợ cho người dân” – bà Loan khuyến cáo.


Phải để dân tự nguyện, chứ không ép buộc


Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - ông Lê Đình Đức, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế huyện tổ chức họp với người dân và HTX Tân Thông Hội. Theo Luật HTX thì HTX là mô hình tự góp vốn và dựa trên sự tự nguyện của HTX viên. Do đó, huyện đã đề nghị HTX thành lập phương án sản xuất năm 2016 với số lượng bao nhiêu, việc góp vốn như thế nào, dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không ép buộc. Còn chuyện mua sữa, nếu người dân có hợp đồng với HTX thì HTX mới mua, còn không có hợp đồng thì HTX không mua được. Đồng thời, huyện cũng đang tổng hợp danh sách người dân không bán được sữa để báo lại TP nhờ sự phối hợp với Vinamilk.


Responses

0 Respones to "Bị buộc góp vốn xây nhà máy sữa, nông dân Củ Chi khổ thêm khổ"

Đăng nhận xét

 

Recent Comments

Popular Posts

Return to top of page Copyright © 2010 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by Thanh Tu