0 Làng nghề sản xuất gang nhôm thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Tây Ninh



Nhiều năm nay, người dân sống tại ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, H.Hòa Thành, T.Tây Ninh lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng xuất phát từ làng nghề đúc gang, nhôm nằm trong khu dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Dù đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến các ngành chức năng nhưng chưa có giải pháp xử lý kịp thời.

Sản xuất theo phương pháp thủ công

Theo Phòng TNMT H.Hòa Thành: trên địa bàn ấp Trường Thọ vẫn có 9 cơ sở sản xuất đúc gang, nhôm đang hoạt động, với nguyên liệu sản xuất là gang, nhôm, sắt phế liệu. Nguyên liệu chất đốt là củi, than đá. Chủ yếu sản xuất ra các mặt hàng phụ kiện phục vụ cho máy móc sản xuất nông nghiệp, các linh kiện trong các nhà máy, phụ kiện… Tổng công suất 60-90 tấn/tháng. Tất cả các cơ sở đều chưa có biện pháp về bảo vệ môi trường.

Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Hòa Thành Ông Lâm Thanh Bình cho biết: "Trong thời gian qua, Phòng đã nhiều lần phối hợp với UBND xã Trường Hòa kiểm tra, phúc tra nhắc nhở các cơ sở trên, thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khói bụi, khí thải, tiếng ồn đạt theo yêu cầu, nếu không sẽ có biện pháp xử lý triệt để. Nhưng hiện các cơ sở này vẫn chưa thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường. Vì đây là làng nghề truyền thống, giải quyết nhiều lao động cho địa phương nên Phòng mới chỉ lập biên bản nhắc nhở và phối hợp với địa phương vận động, chứ chưa xử lý mạnh tay. Tuy nhiên, Phòng đã gia hạn đến hết quý II/2016, các cơ sở trên phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường thì mới cho hoạt động."

Ông Trần Văn Hòa (69 tuổi) nhà tại tổ 6, ấp Trường Thọ cho hay: Gia đình ông đã sống ở đây được gần 40 năm. Các lò đúc gang, nhôm kể trên đã hoạt động từ rất lâu với quy mô sản xuất nhỏ. Vài năm gần đây các cơ sở này đã nâng cấp hệ thống tăng công suất hoạt động, nên lượng khói bụi thải trực tiếp ra môi trường ngày càng nhiều, kèm theo đó khí thải nặng mùi, gây khó chịu, ảnh hưởng đến đường hô hấp, nhất là đối với trẻ em, dù đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng nhưng vẫn chưa xử lý.

Cũng theo ông Trần Văn Hòa, có lần gia đình ông đứng ra phản ánh với chính quyền địa phương về vấn đề này thì vấp phải tình trạng bị các chủ cơ sở hăm dọa, đòi trả thù gia đình nên rất hoang mang. Kể từ đó người dân ở đây không dám phản ánh nữa; “Riêng tôi đã im lặng lâu rồi, ức lắm, giờ đã gần 70 tuổi nên cũng không còn sợ gì nữa nên muốn trả thù cứ việc, muốn giết tôi thì giết cũng chả sao, hết sợ rồi” ông Hòa chia sẽ.

Trao đổi về các biện pháp xử lý bảo vệ môi trường ở Cơ sở đúc gang Hồ Thanh Kiên, tại ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, chủ cơ sở cho biết: "đã hoạt động được trên 20 năm, hiện tại chỉ che chắn khói bụi tạm thời, còn hệ thống xử lý thì chưa có, với lý do cơ sở không đủ kinh phí và không biết đơn vị nào đủ năng lực thi công công trình xử lý đạt chuẩn, nên cứ chờ".

Ông Trần Văn Chi, 41 tuổi, chủ cơ sở Trần Chi, tại ấp Trường Thọ cho biết: "đây là nghề truyền thống của gia đình đã hơn 60 năm nay. Mỗi tháng chỉ sản xuất khoảng 20 tấn, với số lượng công nhân làm việc là 20 người. Hơn 5 năm trước ông có đầu tư hệ thống xử lý bụi tạm thời, nhưng đến nay đã lạc hậu và hư hỏng không còn hoạt động nên không xử lý được bụi, còn hệ thống xử lý mùi hôi và chất thải thì chưa đầu tư; đã có dự định triển khai đầu tư, nhưng chi phí quá cao nên chưa thực hiện được.

Đó là cái khó của các chủ cơ sở sản xuất gang, nhôm tại đây. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất lúc này là khi bụi kim loại nặng, chất dầu nhớt bị đốt phát tán ra không khí và ngấm vào mạch nước ngầm lâu ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống tại đây, khi trực tiếp sử dụng nguồn nước giếng khoan cho mọi sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

[Read More...]


0 Tính mạng người dân đang bị đe dọa do sạt lở




Tình hình sạt lở và xâm thực ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang đang diễn ra hết sức phức tạp, nguyên nhân do gió chướng thổi mạnh, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương, đặc biệt là khu vực bắc Vàm Cửa Tiểu trên sông Tiền.



47 hộ dân ở ven biển ở ấp Tân Phú và Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông gần như bị mất hết đất không còn chỗ ở, đe dọa đến tính mạng cũng vì nước biển xâm thực, sạt lở vào đến nhà ở trong mùa gió chướng.

Đứng trước tình hình đáng lo ngại  đó nhưng dự án di dời 47 hộ dân bị sạt lở ở xã Tân Thành vào khu tái định cư đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Theo khảo sát, có 2 vị trí bị sạt lở nặng nhất là đoạn từ nhà hàng Hương Biển (ấp Tân Phú, Tân Thành) đến kênh sau cống Tân Thành, có chiều dài 1.200m và đoạn từ khu du lịch Vạn Bình An đến khu vực ấp Cầu Muống (Tân Thành), với chiều dài 1.300m.


Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thành - ông  Nguyễn Văn Minh, cho biết mùa gió chướng này, sạt lở đã xâm nhập vào sát bờ, ảnh hưởng trực tiếp đến 47 hộ dân ở đây.


Xã đã có một khu đất công để quy hoạch di dời 47 hộ này vào bên trong, đến nay dự án đã thiết kế xong nhưng việc triển khai xây dựng vẫn còn chậm, nên chưa thể di dời các hộ này vào phía trong.
[Read More...]


0 Bị buộc góp vốn xây nhà máy sữa, nông dân Củ Chi khổ thêm khổ



Bị buộc phải góp vốn 30 triệu để mở nhà máy chế biến sữa, nếu không các hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Tân Thạnh Đông bị HTX bò sữa Tân Thông Hội sẽ bị ngưng mua sữa.


169 hộ dân chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội đã có buổi gặp mặt với UBND xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi, TP.HCM) vào ngày 24-2. Tại buổi gặp mặt nhiều người dân bức xúc, lo lắng trước việc HTX bò sữa Tân Thông Hội yêu cầu bà con góp vốn 30 triệu đồng để HTX xây nhà máy, mở công ty và để được tiếp tục bán sữa.



Cắn răng góp vốn

Người dân góp vốn bằng hai hình thức: một là đóng tiền mặt 30 triệu đồng, hai là làm đơn xin hỗ trợ vốn lên Qũy hộ trợ vốn xã viên HTX (Thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam TP.HCM), mỗi tháng người nông dân phải tự trả góp cả vốn lẫn lời 2,3 triệu đồng. Số tiền đó sẽ được trừ vào tiền sữa, với thời hạn 18 tháng.

Anh Nguyễn Thành Lâm (ấp 8) bức xúc: “Việc ép người dân góp vốn để tiếp tục bán sữa rất vô lý. Người nông dân nuôi bò đã không có lời mà tự nhiên lại đi mắc nợ, trong khi giá sữa ngày một bấp bênh, giá trị con bò cũng ngày một xuống, dịch bệnh tùm lum, biết đến khi nào mới lấy lại số tiền đã góp chứ”. Anh Lâm chia sẻ gia đình anh đã bán sữa cho HTX bò sữa Tân Thông Hội nhiều năm nay. Ban đầu, họ thu mua sữa với giá 12.800 đồng/kg, bây giờ chỉ còn 12.000 đồng/kg, số lượng thu mua cũng sụt giảm. Nếu ngày trước HTX mua đến hơn 100 kg thì nay chỉ lấy 87kg, số sữa thừa còn lại chỉ lấy với giá 7.500 đồng/kg. Anh Lâm còn cho biết thêm “Ở đây có nhiều gia đình chỉ nuôi 1,2 con hoặc nuôi nhiều nhưng chỉ có 1,2 con đang lấy sữa thôi. Trong hai con có một con đang chửa thì chỉ còn lại một con lấy sữa, mỗi ngày giỏi lắm cho 16 kg sữa, mà giờ bắt góp vốn đến 30 triệu, đây đâu phải là số tiền nhỏ. Nếu góp vốn vào rồi lỡ bò bị bệnh sưng vú hay mất sữa thì phải làm sao. Vậy thì khổ cho người nông dân quá”.

Vì HTX bò sữa Tân Thông Hội không phân tích rõ số tiền góp này sẽ được dùng cụ thể như thế nào và được hoàn trả ra sao khiến nhiều hộ dân hoang mang, lo lắng.


Anh Nguyễn Văn Qúy (ấp 5) cho biết gia đình đang rất hoang nhưng vì muốn bán sữa nên hai vợ chồng đành lấy CMND và hộ khẩu rồi làm đơn xin vay vốn gửi cho HXT từ nửa tháng trước, tới giờ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. “Lúc đó HTX chỉ thông báo rằng đang mướn đất để mở công ty sữa nhưng chưa đủ vốn nên người dân phải góp vốn, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng bán sữa đang có với HTX. Mọi người đang lo lắm không biết HTX bò sữa Tân Thông Hội có đảm bảo sẽ thu mua hết sữa và mua với giá cao như cam kết hay không. Nếu HTX giải tán hay phá sản thì số tiền người dân góp vào sẽ như thế nào. Ngày trước, tôi không có tiền mới vay 20 triệu để mua 10 con bò, nuôi đến 3 năm mà chỉ có 3 con có sữa, một số con cạn sữa thì phải bán đi"



Xã không có thẩm quyền giải quyết

Trước bức xúc của người dân,  – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông - bà Dương Ngọc Loan, cho biết: “Thứ nhất, HTX bò sữa Tân Thông Hội không có trụ sở tại xã Tân Thạnh Đông mà tại xã Tân Thông Hội. Thứ hai HTX này là đơn vị tư nhân do nhiều thành viên góp vốn để hoạt động như một công ty tư nhân chứ không phải do Nhà nước mở ra. Thứ ba, giấy phép hoạt động của HTX là do UBND huyện Củ Chi cấp nên dù bà con bức xúc và yêu cầu UBND xã can thiệp nhưng việc này nằm ngoài thẩm quyền của xã”.


Bà Loan cho biết đã biết sự việc này từ lâu và đã từng báo cáo lên UBND huyện Củ Chi. UBND huyện đã yêu cầu sau Tết Bính Thân, HTX bò sữa Tân Thông Hội phải có cuộc họp với bà con Tân Thạnh Đông để giải quyết nhưng đến nay chưa thực hiện. Hiện nay khi đã nghe trực tiếp ý kiến từ bà con, UBND xã sẽ tiếp tục báo cáo về huyện để có hướng tháo gỡ.


“Về việc góp vốn với HTX bò sữa Tân Thông Hội, khi đưa tiền bà con phải yêu cầu HTX cho giấy tờ biên nhận, cam kết rõ ràng để sau này dễ dàng xác minh. Đồng thời bà con nên cân nhắc kỹ trước khi bỏ tiền góp vào HTX này, vì hiện Tập đoàn Vinamilk đã hứa sẽ hỗ trợ thu mua sữa cho người nông dân. Xã đã thông báo xuống các ấp thống kê số hộ chưa có hợp đồng để báo cáo lên huyện và có hướng hỗ trợ cho người dân” – bà Loan khuyến cáo.


Phải để dân tự nguyện, chứ không ép buộc


Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - ông Lê Đình Đức, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế huyện tổ chức họp với người dân và HTX Tân Thông Hội. Theo Luật HTX thì HTX là mô hình tự góp vốn và dựa trên sự tự nguyện của HTX viên. Do đó, huyện đã đề nghị HTX thành lập phương án sản xuất năm 2016 với số lượng bao nhiêu, việc góp vốn như thế nào, dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không ép buộc. Còn chuyện mua sữa, nếu người dân có hợp đồng với HTX thì HTX mới mua, còn không có hợp đồng thì HTX không mua được. Đồng thời, huyện cũng đang tổng hợp danh sách người dân không bán được sữa để báo lại TP nhờ sự phối hợp với Vinamilk.
[Read More...]


0 Sóc Trăng thiệt hại hơn 11.000 ha lúa



Hiện tại có 6/11 huyện, thị xã tại Sóc Trăng bị xâm nhập mặn, nhiều vùng trồng lúa, độ mặn cao trên 10 ‰ bao gồm: Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm, Cù Lao Dung và huyện Mỹ Xuyên là thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.



Theo thống kê địa phương có diện tích lúa thiệt hại nặng nhất là huyện Trần Đề  với trên 400 ha lúa bị thiệt hại do đồng ruộng khô cạn, trong đó riêng xã Lịch Hội Thượng xuống giống hơn 1.150 ha thì có đến trên 300 ha lúa bị thiệt hại trắng, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề có hơn 23 ha bị thiệt hại trắng; huyện Mỹ Xuyên có 440 ha lúa mất trắng, còn lại là lúa bị ảnh hưởng đến năng suất…

Hàng chục ngàn ha lúa của người dân các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề trước tình hình hạn mặn xâm nhập, ngày 23/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Để hạn chế tình trạng thiệt hại do hạn mặn tiếp tục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương vùng bị hạn mặn ảnh hưởng và các ngành chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân vùng khó khăn chưa chủ động về nguồn nước không tiếp tục gieo sạ lúa Xuân hè. Theo dõi chặt chẽ nguồn nước, vận hành hệ thống cống, đập khi có nước ngọt thì mở cống lấy vào, khi độ mặn cao vượt mức cho phép phải đóng lại kịp thời hạn chế mặn vào sâu nội đồng tiếp tục gây thiệt hại cho lúa và hoa màu của người dân, đồng thời thống kê diện tích lúa đã bị thiệt hại của người dân vùng bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, giúp người dân tái đầu tư sản xuất.

[Read More...]


0 Hạn, mặn gay gắt ở Trà Vinh, Bạc Liêu



Độ mặn ở các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không ngừng tăng cao và lấn sâu vào các tuyến kênh thủy lợi đầu mối đã hơn một tuần nay, đe dọa gây thiệt hại nặng cho diện tích lúa Đông Xuân trong giai đoạn hơn 40 ngày tuổi.

Nước mặn tại sông Tiền và sông Hậu đã lấn sâu vào các tuyến kênh thủy lợi đầu mối hơn 60 km, độ mặn hiện tại ở các cửa cống như: Cái Hóp, Rạch Rum, Cần Chông, Láng Thé, Tân Dinh... độ mặn đã lên đến từ 5,9 – 7,8‰ là thông tin mới nhất được Đài Khí tượng thủy văn Trà Vinh cung cấp.



Nhằm đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo vận hành đóng – mở cửa cống thủy lợi, theo dõi độ mặn nước để ngăn mặn, trữ ngọt từ đầu vụ. Nhưng do thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng nhanh, không thể tiếp ngọt vào các kênh nội đồng nên hiện tại trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Trà Cú có hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân, với gần 9.000 ha nằm trong tình trạng thiếu nước trầm trọng.


Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú - ông Thạch Sô Phanh cho biết, đã có 6.400 ha trong hơn 11.700 ha lúa Đông Xuân của huyện đang bị khô hạn do điều kiện đất gò cao không thể tiếp nước ngọt từ kênh thủy nội đồng bị cạn kiệt; trong đó có khoảng 3.420 ha lúa tại các xã Phước Hưng, Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang nằm trong tình trạng bị khô hạn trầm trọng, cần có nước ngọt để cứu lúa.


Ông Lê Văn Phi, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, trên địa bàn huyện đã có trên 2.500 ha/5.200 lúa Đông Xuân đang chờ nước. Do địa bàn huyện ở cuối nguồn sông Hậu, các cống đầu mối Rạch Rum, Cần Chông buộc phải đóng cửa vì nước mặn nên tình hình tiếp nước ngọt về các kênh nội đồng để bơm tát cứu lúa Đông Xuân rất khó khăn.


Theo ông Lê Phước Dũng, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, để khắc phục tình trạng thiếu nước, khô hạn diện tích lúa Đông Xuân, ngành đang chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện kết hợp cùng các địa phương tiến hành nhanh nạo vét các tuyến kênh cấp 3 để nâng cao mực nước trên kênh. Đối với các vùng sâu, gò cao, thực hiện phương án đắp ngăn dòng kênh nội đồng theo từng cánh đồng, sau đó bơm nước từ các kênh cấp II vào kênh nội đồng rồi bơm chuyền lên đồng cứu lúa.


Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Trà Vinh được giao nhiệm vụ theo dõi 24/24 giờ về độ mặn tại cửa công đầu mối. Tận dụng những ngày nước dâng cao (15 và 30 Âm lịch) vào lúc thủy triều đỉnh triều xuống thấp xuất hiện nước ngọt, công ty sẽ mở ngoài cửa cống tiếp nước vào nội đồng, đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cho nông dân sản xuất hiệu quả vụ Đông Xuân./.


Trong khi đó, tại tỉnh Bạc Liêu hiện lúa Đông Xuân đang bị nhiễm bệnh và mặn xâm nhập gần 10.000 ha; trong đó có hơn 6.870 ha lúa nhiễm rầy cần phòng trừ. Nước mặn hiện đã xâm nhập sâu vào nội đồng của vùng phía Bắc de dọa đến trà lúa Đông xuân. Nước mặn rò rỉ tại các cống Cả Vĩnh, Nước Mặn và Sóc Đồn đã xâm nhập vào địa bàn xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa trên địa bàn xã. Thêm vào đó, nguồn nước ngọt từ sông Hậu về qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp giảm mạnh nên khả năng thiếu nước cuối vụ là rất lớn.


Ông Lê Quí Thủy, Trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước tình hình trên, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2015 - 2016 trình UBND tỉnh phê duyệt.


Về sản xuất nông nghiệp ở vùng Bắc quốc lộ (QL) 1A, việc điều tiết nguồn nước mặn, ngọt phục vụ sản xuất dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong bối cảnh mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, mực nước trên trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đang hạ thấp nên nước mặn từ Bạc Liêu sẽ xâm nhập lên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vào khoảng cuối tháng 3/2016. Nếu hạn chế điều tiết nước mặn sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước mặn cho 67.000ha nuôi tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là khu vực Thị xã Giá Rai. Còn nếu điều tiết đủ nước mặn để nuôi tôm thì tiểu vùng chuyển đổi sẽ có nguy cơ mặn xâm nhập sâu vượt Ngã Năm (Sóc Trăng). Từ đó, xâm nhập vào vùng sản xuất lúa đông xuân của Sóc Trăng và 46.500ha lúa của Bạc Liêu. Mặt khác, nước mặn sẽ làm ảnh hưởng gần 9.000ha lúa đông xuân ở tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân) vào cuối tháng 2/2016.


Đối với sản xuất lúa, chỉ đạo các địa phương tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Rút ngắn lịch thời vụ bằng cách sử dụng giống lúa ngắn ngày và áp dụng biệp pháp tưới nước tiết kiệm.


Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí năm 2015. Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cống và xây dựng kế hoạch đắp đập ngăn mặn. Phát động nhân dân tu bổ, gia cố bờ bao, ao đầm, nạo vét kênh mương nội đồng, trữ nước chống hạn, chống xâm nhập mặn….
[Read More...]


0 Nông dân Đắk Lắk khốn khổ vì lò than



Hàng chục hecta cà phê bị ảnh hưởng bởi các lò than nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý.

Sau khi xây dựng, 4 lò đốt than ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 8-2013 đã gây cháy rụi 40 cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch của gia đình chị Vũ Thị Nên (ngụ thôn 1, xã Ea Tiêu).



Chính quyền xã Ea Tiêu đã đến lập biên bản hiện trường, ghi nhận sự việc và đứng ra hòa giải sau khi nhận được phản ánh của  người dân. Gia đình chị Nên đồng ý nhận số tiền đền bù 3 triệu đồng với điều kiện chủ lò than phải khắc phục hệ thống ống khói để không ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, chủ lò chưa đền bù thì đến năm 2014, vườn chị Nên và vườn bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ xã Cư Kuin) tiếp tục bị khói lửa của các lò than thiêu cháy nhiều diện tích cà phê.

Cuối năm 2014, các chủ lò tiếp tục xây dựng thêm 14 lò khác, bỏ mặc những khiếu nại của người dân gây thiệt hại nặng về cây trồng của 28 hộ gia đình. “Trước khi có lò than, 6 sào cà phê của gia đình cho năng suất trung bình 2 tấn cà phê nhân/năm. Từ năm 2013 đến nay, phần bị lửa thiêu rụi, phần bụi khói bám vào không thể đậu quả nên năng suất chỉ khoảng 5 tạ/năm, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Mới đây, gia đình phải chặt bỏ toàn bộ vì cà phê không phát triển được” - chị Nên nói.

Tương tự, ông Trần Văn Thi (ngụ xã Ea Tiêu) lo lắng vì toàn bộ nguồn sống của gia đình dựa vào gần 1 ha cà phê nhưng 2 năm qua rất ít trái. “Mới đây, gia đình phải chặt bỏ hơn 1/2 diện tích và bỏ hoang vì không cây gì sống nổi với khói bụi. Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, khói bụi dày đặc nên mỗi lúc đi làm là không tài nào thở được” - ông Thi bức xúc.

Ông Trần Xuân Trường, cán bộ địa chính xã Ea Tiêu, cho biết 16 lò đốt than do ông Trần Phi Dũng làm chủ đại diện. Lúc đầu, chủ lò chỉ làm nhỏ lẻ nhưng sau đó mở rộng thêm quy mô nên xã hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết như giấy phép kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường. Ngày 6-4-2015, UBND huyện Cư Kuin ký xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho ông Dũng. Qua kiểm tra cho thấy các lò than này không thực hiện đúng đề án bảo vệ môi trường như không có hệ thống phun sương, ống khói hoạt động không hiệu quả… nên phạt hành chính 4 triệu đồng.

Trước tình hình này, ngày 12-11-2015, UBND huyện Cư Kuin quyết định chấm dứt hoạt động của 6 lò đốt than vì vi phạm khoảng cách đến rẫy cà phê của dân nhưng vẫn đồng ý cho ông Dũng duy trì hoạt động 10 lò còn lại. “Trong số 6 lò bị đình chỉ thì hiện có 3 lò vẫn hoạt động nhưng chủ lò luôn vắng mặt nên rất khó xử lý” - ông Trường phân trần.
[Read More...]


0 4600 cá nhân sai phạm trong quản lý và sử dụng TNMT bị xử phạt



Nhằm đưa ra những giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng để rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện căn bản pháp luật, hệ thống chính sách về phòng chống tham nhũng thì bộ TN MT đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng (2006-2015).



Khai thác cát trái phép trên sông 


Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Qua công tác, thanh tra kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm của các đối tượng quản lý và sử dụng TNMT; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt 4.687 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền gần 208 tỷ đồng, truy thu 135 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường, thu hồi 259 giấy phép hoạt động khoáng sản và trên 23.000 ha đất sử dụng sai mục đích; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chấn chính công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường nhằm từng bước góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đi vào nề nếp, góp phần quan trọng giữ gìn trật tự, kỷ cương pháp luật và phòng, chống than nhũng.


Theo báo cáo tại Hội nghị, từ năm 2006 đến nay Bộ đã tiến hành 123 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 134 đơn vị trực thuộc Bộ; đã ban hành kết luận với 120 cuộc. Các đơn vị trực thuộc cũng tiến hành 577 cuộc kiểm tra về định mức, tiêu chuẩn. Về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, từ năm 2006 đến nay Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai 960 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với gần 15.000 tổ chức, cá nhân hoạt động về tài nguyên và môi trường. Đồng thời tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề về diện rộng, kết hợp nhiều lĩnh vực tại nhiều địa phương, như thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường; thanh tra các dự án sân gôn, thủy điện, khu đô thị mới và các khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc…
[Read More...]


 

Recent Comments

Popular Posts

Return to top of page Copyright © 2010 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by Thanh Tu