Nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp làng nghề Phương La chậm tiến độ thi công



Tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tức làng nghề dệt nhuộm Phương La vẫn còn tồn tại, nguyên do chủ yếu là do nước thải trong quá trình hoạt động của các cơ sở tẩy nhuộm. Trong khi đó tiến độ thực hiện dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung còn chậm, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Nấu giặt, tẩy nhuộm gây ô nhiễm chính

“Nghề dệt nhuộm Phương La đã có từ lâu đời, nhưng không ai có thể nhớ chính xác nghề có từ bao giờ!” – Đó là lời khẳng định của  Chủ tịch UBND xã Thái Phương ông Nguyễn Văn Chưng  trong buổi làm việc với nhóm phóng viên báo TNMT. Theo ông Chưng, cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của làng nghề là những hệ lụy do ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp gây ra.

Ông Đinh Xuân Vĩnh – thôn Phương La 3, người đã gắn bó với nghề dệt gần 30 năm cho biết: Nhà tôi có 3 máy dệt hoạt động thường xuyên, trong đó vợ chồng tôi quản lý 1 máy và thuê thợ quản lý 2 máy còn lại. Vẫn biết quá trình sản xuất không thể tránh khỏi ô nhiễm tiếng ồn nhưng đây là nghề gia truyền của gia đình nên tôi không muốn bỏ nghề!

Theo ông Đinh Xuân Vĩnh, quá trình sản xuất bông, vải, sợi chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn, trong khi các khu tẩy, nhuộm gây ô nhiễm nước và không khí đến mức nghiêm trọng. “Nhà báo mà đến làng này vào mấy năm trước thì chắc chắn không chịu được quá 5 phút vì cả làng nồng nặc mùi hóa chất và nước sông trong làng thì đen, thối hơn cả sông Tô Lịch!” – ông Vĩnh ngán ngẩm.

Theo ông Đinh Xuân Vĩnh, quá trình sản xuất bông, vải, sợi chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn


Bà Trần Thị Hồng – người dân thôn Phương La 3 cho rằng nghề dệt không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe và môi trường bởi bà gắn bó với nghề từ khi còn bé tới giờ đã gần 50 năm nhưng sức khỏe của bà vẫn rất tốt. “Khi đứng trước máy dệt, tôi luôn dùng khẩu trang để bụi sợi không bay vào mũi. Riêng đối với các loại máy kiếm công nghệ cao, không cần người điều khiển máy cũng có thể tự hoạt động. Nhờ đó, việc sản xuất cũng nhanh chóng, tiện lợi hơn và không gây ô nhiễm môi trường” – bà Hồng cho hay.

Một người dân giấu tên cho biết, những năm gần đây, môi trường ở làng nghề dệt nhuộm Phương La đã được cải thiện hơn do một số doanh nghiệp chuyển đến hoạt động tại cụm công nghiệp . Tuy nhiên, trên địa bàn xã Thái Phương hiện vẫn còn 7 cơ sở và doanh nghiệp tẩy nhuộm đang hoạt động, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp đã di chuyển ra CCN, 5 cơ sở còn lại vẫn hoạt động xen kẽ trong khu dân cư. Nước thải từ các nhà máy tẩy nhuộm xả ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Máy dệt công nghệ cao được một số gia đình đầu tư để hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm


“Mặc dù ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định yêu cầu 5 cơ sở trên di dời thiết bị trong quá trình nấu giặt ra vị trí khác đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, nhưng hoạt động “ngấm ngầm” của 5 cơ sở này gây khó khăn cho các đoàn thanh, kiểm tra khi kiểm tra đột xuất”, ông Hoàng Văn Ngoạn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thái Bình khẳng định.

Dự án nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp còn chậm

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, năm 2014 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã phối hợp với UBND huyện Hưng Hà triển khai dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề Phương La. Trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng kinh phí 73 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của địa phương.

Theo ông Hoàng Văn Ngoạn, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đấu nối được nước thải ở các cơ sở tẩy nhuộm ra khu xử lý nước thải tập trung, đồng thời đảm bảo nước thải đầu ra và khắc phục ô nhiễm môi trường.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay để hoàn thành dự án nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp là kinh phí” - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thái Bình ông Hoàng Văn Ngoạn  chia sẻ


Tuy nhiên, đến nay hệ thống mới hoàn thiện hồ sinh học và nhà để lắp đặt thiết bị, còn lại chưa có máy móc. “Khó khăn lớn nhất hiện nay để hoàn thành dự án là kinh phí do tổng vốn đầu tư cho công trình lớn, ngân sách của địa phương còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy xử lý nước thải sau khi nhà máy đi vào hoạt động cũng là bài toán khó!” – ông Hoàng Văn Ngoạn chia sẻ.

Về những giải pháp trong thời gian chờ đợi nhà máy xử lý nước thải CCN làng nghề Phương La đi vào hoạt động, ông Hoàng Văn Ngoạn cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình phối hợp với Sở Công thương vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất cải tiến công nghệ, sử dụng máy móc hiện đại nhằm giảm thiểu ô nhiễm phát sinh do bụi và tiếng ồn. Đặc biệt, khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, Sở tài nguyên môi trường Thái Bình sẽ mời các chuyên gia về tẩy nhuộm hướng dẫn cho các chủ cơ sở nắm vững kỹ thuật chuyên môn để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguồn hóa chất, nguyên liệu đầu vào nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước và cải thiện chất lượng môi trường làng nghề.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thiết thực nhất để sớm hoàn thành dự án nhà máy xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn xã Thái Phương.


Responses

0 Respones to "Nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp làng nghề Phương La chậm tiến độ thi công"

Đăng nhận xét

 

Recent Comments

Popular Posts

Return to top of page Copyright © 2010 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by Thanh Tu